Loạn thuốc bổ phục hồi sau COVID: Chuyên gia giải đáp có cần dùng không, khi nào cần?

Những ngày qua, người dân tìm đủ lý do để uống thực phẩm chức năng với tâm lý "không bổ ngang thì bổ dọc" sau khi mắc Covid-19.

Chi mạnh tay mua đồ bổ phổi

Trên các kênh bán hàng trực tuyến, thực phẩm chức năng bổ phổi, vitamin C, D, các vitamin tổng hợp rồi tới kẽm, sắt… đều trở nên khan hiếm, ít hàng để bán.

Chị Thu H. – người chuyên bán hàng xách tay tại Gia Lâm, Hà Nội cho biết, sản phẩm bổ phổi được người dân lựa chọn mua nhiều nhất với giá từ 650.000 - 850.000 đồng/lọ, thậm chí có loại lên 1,6 triệu đồng/lọ nhưng cửa hàng vẫn thiếu hàng để bán cho khách. Có ngày vài chục khách hỏi mua sản phẩm bổ phổi sau Covid-19 nhưng hàng đầu vào không có.

9 thành viên trong gia đình chị Hương – Long Biên, Hà Nội đều nhiễm biến thể Delta của virus SARS-CoV-2. Chị Hương cho biết các thành viên trong nhà đều ho rất nhiều và mất khứu giác nên sau khi khỏi bệnh, mọi người đều rất mệt.

Chị Hương đã chi gần 15 triệu đồng để mua đủ loại thuốc bổ về cho các thành viên trong nhà uống. Đặc biệt, bố mẹ chồng và chồng chị phải sử dụng bổ phổi vì lo lắng phổi bị ảnh hưởng. Mẹ con chị Hương thì uống vitamin C liều cao và các loại tăng đề kháng khác. Tất cả đều là hàng xách tay.

TS. BS Hoàng Bùi Hải – Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Hà Nội cho biết, với những người mệt mỏi sau Covid-19, khi tư vấn, bác sĩ sẽ tìm hiểu điều gì có thể làm nặng tình trạng hoặc gây nên mệt mỏi, bao gồm việc dùng thuốc hay nhiều thuốc cùng lúc, suy nhược, teo cơ, đau, rối loạn giấc ngủ, rối loạn nội tiết, rối loạn tâm thần hoặc các triệu chứng tim, phổi.

Khi đó, bác sĩ sẽ khuyến khích người bệnh nghỉ ngơi đầy đủ, vệ sinh giấc ngủ tốt và các chiến lược quản lý mệt mỏi cụ thể, có phương pháp để bảo tồn năng lượng trong công việc và sinh hoạt.

Bác sĩ Hải khuyến khích một chế độ ăn uống lành mạnh và cung cấp đủ nước vì đến nay vẫn chưa có một chế độ ăn uống cụ thể nào được chứng minh là có lợi. Bác sĩ Hải cho biết cho tới nay, không có đủ bằng chứng chứng minh việc sử dụng các chất bổ sung dinh dưỡng, thực phẩm chức năng có tác dụng cụ thể trong điều trị nhiễm Covid-19 và mệt mỏi sau Covid-19.

Loạn thực phẩm chức năng

TS. BS. Nguyễn Trọng Hưng – Trưởng khoa Khám tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng cho biết rất nhiều người hỏi bác sĩ rằng uống thực phẩm chức năng loại nào tốt, loại nào bổ phổi, bổ não, bồi bổ sức khoẻ, chống lại Covid-19 hay chống hậu Covid-19.

Loạn thuốc bổ phục hồi sau COVID: Chuyên gia giải đáp có cần dùng không, khi nào cần? - Ảnh 1.

Loạn thực phẩm chức năng hậu Covid-19. Ảnh minh họa.

Bác sĩ Hưng cho rằng đang có hiện tượng loạn các thực phẩm bảo vệ sức khoẻ phòng bệnh Covid-19 hoặc hậu Covid-19. 

Người dân tìm đủ lý do để uống thực phẩm chức năng với tâm lý "không bổ ngang thì bổ dọc". Dù so với thuốc, thực phẩm chức năng không cần đơn nghiêm ngặt nhưng cũng cần được tư vấn sử dụng đối với từng cá nhân khác nhau. 

Bác sĩ Hưng cho biết ông đã từng chứng kiến nhiều người uống cả tá thực phẩm chức năng nhưng tuyệt nhiên không bao giờ đọc hướng dẫn sử dụng hoặc không đọc được do hàng xách tay nhãn mác là tiếng nước ngoài. Đã có không ít trường hợp uống thực phẩm chức năng vào còn cảm thấy mệt mỏi hơn hoặc bị tăng men gan,...

Bác sĩ Bùi Thị Yến Nhi – Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho rằng chỉ cân nhắc thực phẩm bổ sung vitamin và khoáng chất nếu bạn không đảm bảo cung cấp đủ dưỡng do không thể ăn được hoặc ăn vào nôn ói kéo dài cả tuần hoặc ăn rất ít, chỉ ăn một lượng nhỏ thức ăn đã chuẩn bị theo khẩu phần. Với trẻ em cũng tương tự.

Bác sĩ Nhi cho rằng dinh dưỡng cung cấp từ các loại thực phẩm, rau củ, trái cây trong bữa ăn bình thường có thể đáp ứng tương đối đầy đủ lượng vitamin và khoáng chất cho cơ thể, vì vậy việc bổ sung thực phẩm chức năng là không cần thiết.

Vitamin D có thể bổ sung thêm trong trường hợp trẻ nhỏ chỉ ở trong phòng, ít hoạt động ngoài trời, ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thì cơ thể sẽ không tạo đủ vitamin D cho sự phát triển của trẻ. Trong tình huống này, cha mẹ có thể bổ sung vitamin D hàng ngày cho trẻ với liều lượng khoảng 10 microgam (tương đương với 400IU).

Bác sĩ Nhi nhấn mạnh ăn uống đủ chất và có các hoạt đông tập thể dục sẽ giúp bệnh nhân Covid-19 bình phục nhanh hơn. Bởi, thể thao và các hoạt động ngoài trời giúp cho cơ bắp khỏe mạnh; cải thiện tâm trạng, chất lượng giấc ngủ cũng như giảm nguy cơ mắc bệnh trầm cảm. Bệnh nhân nên cố gắng vận động hàng ngày và các hoạt động thể chất nên kéo dài ít nhất 90 - 150 phút trong một tuần dưới nhiều hình thức hoạt động như đi bộ, chạy, nhảy, bơi,...

https://soha.vn/loan-thuoc-bo-phuc-hoi-sau-covid-chuyen-gia-giai-dap-co-can-dung-khong-khi-nao-can-2022032521005957.htm

Link nội dung: https://www.khoedepvn.com/loan-thuoc-bo-phuc-hoi-sau-covid-chuyen-gia-giai-dap-co-can-dung-khong-khi-nao-can-a1334.html