Đi du lịch giúp thai phụ có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn kết hợp vận động thể lực phù hợp. Bác sĩ Hoàng Tiến Lên, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, lưu ý thai phụ cần lên kế hoạch cụ thể về thời gian, địa điểm, phương tiện di chuyển... trước chuyến đi.
Chọn thời điểm phù hợp
Theo bác sĩ Tiến Lên, hầu hết vấn đề mang thai phổ biến xảy ra ở ba tháng giữa và ba tháng cuối thai kỳ. Trong những tuần thai kỳ đầu tiên, thai chưa làm tổ hoặc chưa có tim thai, đôi khi có nguy cơ thai ngoài tử cung. Đây cũng là thời điểm dễ khiến phụ nữ sảy thai sớm nếu vô tình tiếp xúc với hóa chất độc hại từ môi trường, bị ngộ độc thực phẩm hay gặp phải chấn thương tác động vào vùng bụng. Mẹ bầu đi du lịch vào những tháng cuối thai kỳ (tuần 29-40) cũng có thể có nguy cơ chuyển dạ sớm, dẫn đến sinh non. Vì vậy, thai phụ nên hạn chế tham quan, du lịch trong những thời điểm này.
Thai phụ có thể đi du lịch vào ba tháng giữa (tuần 14-28). Đây là giai đoạn ổn định nhất trong thai kỳ, tình trạng ốm nghén hầu hết giảm, nguy cơ sảy thai thấp, bụng bầu chưa quá lớn giúp mẹ bầu di chuyển dễ dàng.
Khám thai trước khi đi
Trước khi lên kế hoạch chi tiết, thai phụ nên đi khám để kiểm tra tình trạng sức khỏe và sự phát triển của thai nhi. Bác sĩ sản khoa đánh giá các điều kiện sức khỏe, đồng thời kê đơn thuốc cần thiết như vitamin, thuốc chống nôn, bổ sung sắt, canxi... và các giấy tờ y tế quan trọng trong trường hợp khẩn cấp.
Những trường hợp thai kỳ nguy cơ cao như tiền sản giật, nhau tiền đạo, dọa sinh non, tiểu đường thai kỳ... cần đặc biệt thận trọng và thường được khuyến cáo không nên đi chơi xa. Đi du lịch cũng không phải là ý tưởng hay nếu mang đa thai.
Bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội tư vấn cho một thai phụ. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Chọn điểm đến phù hợp
Các điểm du lịch nước ngoài có thể không phù hợp với thai phụ do khí hậu, thực phẩm khác biệt, dễ ảnh hưởng đến sức khỏe. Thai phụ nên ưu tiên du lịch trong nước, chọn những địa điểm tham quan ở xa vùng có dịch bệnh. Điểm đến có độ cao trên 2.500 m so với mực nước biển như núi cao, cao nguyên... cũng nên tránh do không khí loãng có thể làm giảm lượng oxy cung cấp cho thai nhi.
Đi du lịch ở những nơi có khí hậu ôn hòa, không quá nóng hay lạnh, lịch trình nhẹ nhàng, giúp cơ thể thư giãn, hạn chế mệt mỏi. Thai phụ nên tìm hiểu kỹ về cơ sở y tế gần nơi lưu trú phòng trường hợp cần chăm sóc khẩn cấp.
Di chuyển trên phương tiện an toàn
Ưu tiên những phương tiện thoải mái, tránh phải ngồi lâu. Thai phụ tránh đi du lịch bằng các phương tiện tốc độ cao, dằn xóc như xe máy, ca nô. Nếu đi bằng tàu hoặc ô tô, hãy ngồi gần cửa sổ thoáng khí. Trường hợp cần dùng thuốc chống say tàu xe nên tham vấn ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng.
Nếu di chuyển bằng máy bay, người đi cần lưu ý các quy định của hãng hàng không. Thai phụ nên chọn ghế gần lối đi để dễ di chuyển, uống đủ nước và đứng dậy vận động nhẹ sau mỗi 1-2 giờ để phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu. Tốt nhất chị em nên chọn điểm đến dưới 3 giờ bay để đảm bảo sức khỏe.
Chuẩn bị hành lý
Bạn theo dõi dự báo thời tiết để chuẩn bị quần áo phù hợp. Ngoài các vật dụng cần thiết như thuốc, trang phục thoải mái, giày dép đế mềm, đồ ăn nhẹ, bình nước cá nhân, dụng cụ vệ sinh, thai phụ nên mang theo hồ sơ khám thai, thông tin liên lạc của bác sĩ để đề phòng trường hợp cần liên hệ.
Chế độ ăn uống và nghỉ ngơi
Bác sĩ Tiến Lên khuyên mẹ bầu nên lên kế hoạch, lịch trình đi lại cụ thể để đảm bảo ăn uống đúng giờ, đủ bữa, đủ chất dinh dưỡng. Tránh ăn thực phẩm sống, tái, chưa tiệt trùng hoặc không rõ nguồn gốc... để phòng ngừa các bệnh đường ruột, ngộ độc thực phẩm. Lưu ý rửa tay kỹ trước và sau khi ăn hoặc chuẩn bị thức ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với bề mặt dùng chung, động vật.
Gia đình tránh quán ăn lề đường hoặc thực phẩm lạ dễ gây dị ứng. Thai phụ có thể chuẩn bị đồ ăn nhẹ lành mạnh như trái cây, bánh mì, sữa... để tránh đói khi di chuyển. Uống đủ nước để không bị mất nước và cơn co thắt tử cung, hỗ trợ tiêu hóa tốt, duy trì đủ lượng nước ối cho thai nhi.
Phụ nữ mang thai nên dành thời gian nghỉ ngơi, ngủ sớm, không thức khuya gây mệt mỏi, ảnh hưởng sức khỏe của mẹ và thai nhi.
Lưu ý các dấu hiệu bất thường
Trong suốt chuyến đi, nếu xuất hiện các dấu hiệu như đau bụng, ra máu âm đạo, buồn nôn quá mức, chóng mặt, sưng phù bất thường, thai ít cử động... thai phụ cần đến cơ sở y tế gần nhất.
Trịnh Mai
Độc giả đặt câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |
Link nội dung: https://www.khoedepvn.com/luu-y-cho-thai-phu-khi-di-du-lich-a87188.html