COVID-19 dần chuyển thành bệnh lưu hành hay đặc hữu? Chuyên gia đề xuất cách gọi chính xác

Các chuyên gia dịch tễ học cho rằng nên gọi COVID-19 là bệnh lưu hành thay vì bệnh đặc hữu vì những lý do dưới đây.

Gọi COVID-19 là "bệnh đặc hữu" hay "bệnh lưu hành"?

Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam và trên thế giới đang dần chuyển sang một 'trạng thái mới'. 

Trong tình hình dịch bệnh hiện tại, cả thế giới đang đánh giá để chuyển trạng thái từ pandemic (đại dịch) sang endemic diseases (bệnh đặc hữu). Nhưng đã từ lâu, truyền thông Việt Nam đã và đang dùng từ "bệnh lưu hành" cho "endemic diseases".

Chúng tôi tìm kiếm trên google trong khoảng thời gian từ năm 2000 cho tới năm 2019 thì chỉ có đúng 1 bài báo nói endemic (dịch bệnh xuất phát từ một địa phương) là "bệnh đặc hữu", còn tất cả các bệnh endemic đều ghi là "bệnh lưu hành". Tất cả các bài viết về "endemic diseases" như sốt rét và sốt xuất huyết đều dùng từ "bệnh lưu hành".

Theo chúng tôi, ở Việt Nam, chúng ta nên dịch endemic diseases là "bệnh lưu hành". Đồng quan điểm với chúng tôi, GS. Trần Tịnh Hiền (Đại học Oxford, Anh Quốc) cũng đề nghị chính phủ và các phương tiện truyền thông thống nhất dùng từ tiếng Việt là "bệnh lưu hành".

Theo sách Dịch Tễ Học Cơ Bản của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) đã được dịch sang tiếng Việt, trang 132 đã định nghĩa "Các bệnh lưu hành/địa phương" là "các bệnh truyền nhiễm được gọi là bệnh lưu hành/địa phương khi chúng có phương thức xuất hiện khá ổn định trong một khu vực địa lý nhất định hay trong một nhóm quần thể với tỷ lệ hiện mắc và mới mắc tương đối cao. Các bệnh lưu hành/địa phương như sốt rét vẫn đang là những vấn đề sức khỏe lớn ở các nước nhiệt đới có thu nhập thấp. Nếu các điều kiện về vật chủ, tác nhân hay môi trường thay đổi thì một bệnh lưu hành/địa phương có thể trở thành dịch".

Ví dụ, sốt xuất huyết tại Việt Nam là bệnh lưu hành. Do muỗi là vật lây truyền, vào mùa mưa muỗi dễ dàng tăng sinh nên gây ra dịch tại nhiều địa phương. 

Trong sách Dịch Tễ Học Cơ Bản này, hoàn toàn không có một từ ngữ nào về "bệnh đặc hữu".

Từ tiếng Anh "endemic disease" được dùng tương đương với "地方性流行病 (địa phương tính lưu hành bệnh)" trong các y văn Trung Quốc, và "風土病 (phong thổ bệnh) trong các y văn tiếng Nhật. Các từ Hán này hoàn toàn phù hợp với từ Hán Việt của "bệnh lưu hành".

Pandemic (đại dịch toàn cầu), theo nguồn gốc Hy Lạp "pándēmos" có nghĩa là "chung, công cộng". Nó có nghĩa là dịch bệnh đã lây lan nhanh đến các quốc gia và vùng lãnh thổ. Pandemic là một endemic lớn. Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), pandemic hay bệnh đặc hữu là sự lây lan không kiểm soát được của virus trên toàn cầu, còn mức độ lây truyền ổn định không dẫn đến bùng phát rộng rãi.

Endemic là từ chỉ một nhóm bệnh, theo nguồn gốc Hy Lạp cũng là "éndēmos", khi được người Anh sử dụng endemic có nghĩa là "trong một số người, khu vực nào đó". Endemic là sự xuất hiện một cách ổn định của bệnh dịch hoặc tác nhân gây bệnh trong một khu vực địa lý hoặc nhóm quần thể dân số nhất định; hoặc còn hướng đến một tỷ lệ mắc bệnh thường gặp của một bệnh dịch trong một khu vực hoặc quần thể dân số nhất định. Các bệnh truyền nhiễm được gọi là bệnh lưu hành hay bệnh địa phương khi chúng có phương thức xuất hiện khá ổn định trong một khu vực địa lý nhất định hay trong một nhóm quần thể với tỷ lệ hiện mắc và mới mắc tương đối cao.

COVID-19 dần chuyển thành bệnh lưu hành hay đặc hữu? Chuyên gia đề xuất cách gọi chính xác - Ảnh 1.

Nhóm chuyên gia cho rằng nên gọi COVID là bệnh lưu hành sẽ hợp lý nhất. Ảnh minh họa.

Tiêu chí xác định bệnh lưu hành

- Có sự tồn tại thường xuyên tác nhân gây bệnh.

- Tồn tại quần thể cảm nhiễm và ổ chứa tác nhân gây bệnh.

- Bệnh dịch xảy ra ở một nhóm đối tượng cụ thể hoặc quần thể dân số trong địa bàn nhất định.

- Tỷ lệ mắc bệnh có tính ổn định và có thể dự báo được.

Một số nước trên thế giới như Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển đã và đang chuẩn bị công bố thoát khỏi đại dịch không theo các tiêu chí thông thường và không xem COVID-19 như một mối đe dọa cho xã hội nữa do tỷ lệ tiêm chủng đều đã đạt được ở mức cao.

WHO vẫn coi COVID-19 là tình trạng đại dịch và cảnh giác với các biến thể mới có thể xuất hiện. Ngoài ra, dịch bệnh vẫn còn có thể phát triển phức tạp, vẫn cần duy trì các hoạt động đáp ứng cao để đối phó với dịch bệnh.

Hiện nay, dịch bệnh đã xuất hiện tại tất cả các tỉnh thành trên cả nước, tỉ lệ mắc bệnh chưa ổn định và có sự khác biệt lớn giữa các tỉnh thành, tỉ lệ tử vong còn cao so với mặt bằng chung các bệnh truyền nhiễm, các biến thể mới vẫn liên tục xuất hiện dẫn đến tỷ lệ mắc quần thể cảm nhiễm chưa có tính ổn định.

Dịch COVID-19 đang ở giai đoạn chuyển tiếp sang bệnh lưu hành, chúng ta cần theo dõi diễn biến tình hình dịch cũng như sự thay đổi của các biến thể COVID-19 để có thể coi bệnh COVID-19 là bệnh lưu hành trong thời điểm thích hợp.

Khi coi COVID-19 là một bệnh lưu hành, thái độ chung của cả chính phủ lẫn người dân đều sẽ nhẹ nhàng hơn đối với bệnh gây ra bởi virus SARS-CoV-2 này. Ngay cả khi có kết quả dương tính, người mắc không còn có nghĩa vụ pháp lý phải tự cách ly.

Việc mắc và điều trị COVID-19 sẽ được xem như các bệnh thông thường và được đối xử, chăm sóc, thanh toán, chi trả bảo hiểm như các bệnh bình thường.

Theo đó, các hoạt động Kinh tế - Xã hội có thể trở lại như trước thời điểm dịch bệnh xảy ra. Tuy nhiên, không nên lơ là việc chống dịch và vẫn phải bảo đảm các quy tắc an toàn. Việc khôi phục vẫn cần sự cân nhắc, tính toán để có thể từng bước loại bỏ các ranh giới an toàn mà không mang lại những hậu quả nặng nề.

Nhóm tác giả:
Hoàng Thủy Tiên (Khoa Dược, Đại Học Kỹ Thuật Y-Dược Đà Nẵng, Đà Nẵng)

Nguyễn Thị Hiền Hậu (Khoa Y, Đại Học Duy Tân, Đà Nẵng)

PGS.TS.BS. Nguyễn Tiến Huy (Khoa Y, Trường Bệnh Nhiệt Đới và Sức Khỏe Toàn Cầu, Đại học Nagasaki, Nhật Bản)

Tài liệu tham khảo:

https://apps.who.int/iris/bitstream/handle/10665/43541/9241547073_vie.pdf?sequence=9&isAllowed=y

https://vov.vn/suc-khoe/da-co-the-xem-covid-19-la-benh-dac-huu-thong-thuong-post926497.vov


https://laodong.vn/y-te/ly-do-co-the-xem-covid-19-la-benh-dac-huu-thong-thuong-1020101.ldo

https://baochinhphu.vn/coi-benh-covid-19-la-benh-dac-huu-hoac-benh-luu-hanh-vao-thoi-diem-thich-hop-102220305183917642.htm

https://www.facebook.com/tran.t.hien.9026/posts/10216414649438576

https://soha.vn/covid-19-dan-chuyen-thanh-benh-luu-hanh-hay-dac-huu-chuyen-gia-de-xuat-cach-goi-chinh-xac-20220317000249485.htm