Khi nhiều quốc gia chuyển sang trạng thái sống chung với COVID, nhiều người đặt ra câu hỏi nếu chẳng may nhiễm COVID-19 thì làm thế nào để phòng ngừa hậu COVID.
Bởi vì COVID là một căn bệnh tương đối mới, các nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ nguyên nhân gây ra COVID kéo dài hoặc cách phòng ngừa.
Các nhà khoa học nghiên cứu COVID thường đồng ý rằng những ảnh hưởng sức khỏe kéo dài mà mọi người trải qua sau khi nhiễm COVID là do tình trạng viêm khắp cơ thể. Một số chuyên gia khác nghi ngờ những người mắc COVID kéo dài vẫn có một lượng nhỏ virus trong cơ thể, gây ra các vấn đề như mệt mỏi, chóng mặt, sương mù não, đau ngực hoặc đau khớp.
Bác sĩ Jean Paul Higuero-Sevilla, đến từ Trường Y của Đại học Yale, Mỹ, cho biết: "Sau khi thực sự bị ốm với COVID-19, rất nhiều bệnh nhân sẽ có các triệu chứng kéo dài như mệt mỏi và khó thở".

Nhiều bệnh nhân COVID-19 sau khi âm tính vẫn gặp các triệu chứng kéo dài như mệt mỏi, chóng mặt, sương mù não, đau ngực hoặc đau khớp. (Ảnh minh họa)
Chúng ta đang trong giai đoạn tìm hiểu về COVID kéo dài và hiện tại vẫn chưa có phương pháp điều trị được thiết kế đặc biệt để ngăn chặn nó.
"Tìm ra cơ chế của COVID kéo dài sẽ là chìa khóa để tìm hiểu xem chúng ta có thể làm gì để ngăn ngừa cũng như điều trị nó hiệu quả", Sally Hodder, một bác sĩ bệnh truyền nhiễm và là giám đốc của Viện Khoa học Dịch thuật và Lâm sàng Tây Virginia tại Đại học Tây Virginia, Mỹ, cho biết.
Richard Becker, bác sĩ nội khoa tại Trường Y, Đại học Cincinnati, Mỹ, người đang điều hành phòng khám COVID kéo dài của Hệ thống bệnh viện UC Health, cho biết thêm rằng tiêm phòng và sử dụng sớm thuốc ở một số trường hợp là hai trong số những cách có thể giúp ngăn ngừa COVID kéo dài.
Dưới đây là ba lời khuyên của các chuyên gia Mỹ về phòng ngừa COVID kéo dài.
Tiêm vaccine giúp giảm nguy cơ mắc COVID kéo dài
Cách hiệu quả nhất để giảm nguy cơ mắc COVID kéo dài là tránh nhiễm COVID ngay từ đầu. Nhưng như các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm đã cảnh báo, điều đó ngày đang trở nên khó hơn vì COVID-19 đang dần trở thành bệnh đặc hữu. Hãy nhớ rằng: Bệnh đặc hữu không có nghĩa là virus không còn gây ra tác hại, mà chỉ có nghĩa là tác hại mà virus gây ra có thể được kiểm soát tốt hơn trên quy mô dân số. Chừng nào COVID-19 còn ở quanh chúng ta, nguy cơ COVID kéo dài luôn hiện hữu.
Công cụ tốt nhất để giảm nguy cơ phát triển COVID kéo dài là tiêm vaccine. Một nghiên cứu được công bố vào tháng 1 cho thấy việc tiêm vaccine làm giảm một chút nguy cơ mắc COVID-19 kéo dài. Một báo cáo khác từ Vương quốc Anh cho thấy hai liều vaccine COVID-19 có liên quan đến việc giảm 41% tỷ lệ xuất hiện các triệu chứng COVID kéo dài.
Mặc dù dữ liệu này đầy hứa hẹn nhưng chúng ta vẫn cần nghiên cứu thêm, bác sĩ Hodder nhận định. Cũng đã có báo cáo về những người được đã tiêm vaccine vẫn bị COVID kéo dài.

Nhân viên y tế tiêm liều vaccine COVID-19 tăng cường tại một phòng tiêm chủng ở Bolton, Anh ngày 23 tháng 12 năm 2021. Ảnh: REUTERS / Molly Darlington
Điều trị sớm cũng có thể giúp giảm nguy cơ
Nếu bạn có nguy cơ phát triển COVID-19 thể nặng, bạn sẽ muốn bắt đầu điều trị ngay khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện. Bằng chứng đã chỉ ra rằng một người bị nhiễm COVID-19 càng nặng thì nguy cơ mắc COVID kéo dài càng cao.
Theo bác sĩ Higuero-Sevilla, điều trị sớm giúp tình trạng bệnh không trở nên tồi tệ hơn, cuối cùng có thể giúp bạn giảm nguy cơ gặp phải các triệu chứng bệnh kéo dài.
Higuero-Sevilla thường khuyên những bệnh nhân có nguy cơ cao, ví dụ như người mắc bệnh tiểu đường, béo phì, bệnh tim, bệnh phổi nên gọi cho ông ngay khi họ có triệu chứng.
"Nếu bạn bị nhiễm COVID, đặc biệt là khi có bệnh nền, bạn nên nói chuyện với bác sĩ để xem họ có kê thuốc kháng virus cho bạn hay không", bác sĩ Higuero-Sevilla nói.
Thuốc kháng virus đường uống nhằm điều trị COVID-19 nên dùng trong vòng năm ngày kể từ khi bắt đầu có triệu chứng. Những loại thuốc này ngăn chặn sự nhân lên của virus và giảm số lượng virus trong cơ thể bạn. Tuy nhiên, ai cũng cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng các loại thuốc này.
"Việc chẩn đoán và điều trị sớm bằng thuốc uống kháng virus… có thể đặc biệt quan trọng để ngăn ngừa COVID kéo dài", bác sĩ Becker nói.

Luôn hỏi ý kiến bác sĩ trước khi có ý định sử dụng thuốc.
Thuốc không kê đơn và nghỉ ngơi có hiệu quả không?
Nhiều người có thể tự hỏi liệu thuốc chống viêm không kê đơn có thể giúp điều trị các triệu chứng COVID kéo dài hay không. Theo bác Higuero-Sevilla, thực sự không có bất kỳ dữ liệu nào cho thấy loại thuốc này có thể làm giảm nguy cơ mắc COVID kéo dài.
Các bác sĩ cũng chưa rõ liệu prednisone hoặc dexamethasone - hai loại steroid được sử dụng để giảm viêm ở bệnh nhân COVID - có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc COVID kéo dài hay không, bác sĩ Becker nói thêm.
Các bác sĩ khuyên bạn nên nghỉ ngơi và cung cấp đủ nước nếu bị nhiễm COVID. Nhưng liệu những biện pháp can thiệp này có làm giảm nguy cơ phát triển COVID kéo dài hay không thì vẫn chưa rõ. Bác sĩ Hodder cho biết nghiên cứu về vấn đề này đang được tiến hành.
"Sẽ mất một thời gian để hiểu hơn về hậu COVID", bác sĩ Higuero-Sevilla nói. "Chúng ta chưa có câu trả lời".
(Nguồn: Huffpost)
https://soha.vn/f0-can-lam-gi-de-phong-ngua-hau-covid-ba-loi-khuyen-tu-chuyen-gia-20220322112843732.htm