Ho là một triệu chứng có thể khiến nhiều người ‘xa lánh’ bạn, nhất là trong đại dịch COVID-19.
Ho có thể kéo dài nhiều tuần hoặc nhiều tháng sau khi một người khỏi COVID-19. Khoảng 2,5% người vẫn bị ho một năm sau khi bị nhiễm COVID-19, theo một bài viết của phó giáo sư Natasha Yates, Đại học Bond, Úc, đăng trên The Conversation.
Ho tái phát có thể làm giảm khả năng làm việc, tốn chi phí điều trị và khiến bạn e ngại tham gia các hoạt động xã hội.
Với tư cách là một bác sĩ đa khoa, phó giáo sư Natasha Yates đã được nhiều bệnh nhân hỏi về cách khắc phục chứng ho hậu COVID. Dưới đây là câu trả lời của bác sĩ Yates.

Ho tái phát có thể làm giảm khả năng làm việc, tốn chi phí điều trị và khiến bạn e ngại tham gia các hoạt động xã hội. (Ảnh minh họa)
Nguyên nhân gây ho hậu COVID là gì?
Không có gì đáng ngạc nhiên khi COVID gây ra ho, vì virus SARS-CoV-2 ảnh hưởng đến đường hô hấp, từ mũi xuống phổi.
Ho là một trong những cách cơ thể loại bỏ các chất kích thích không mong muốn như virus, bụi và chất nhầy. Khi phát hiện có "vật lạ" nào đó trong đường hô hấp, một phản xạ được kích hoạt để gây ra ho, giúp loại bỏ chất kích thích ra ngoài.
Mặc dù đây là một cơ chế bảo vệ hiệu quả, nhưng nó cũng là cách virus lây lan. Đây là một trong những lý do khiến virus SARS-CoV-2 đã lây lan khắp thế giới một cách hiệu quả và nhanh chóng.
Tại sao ho kéo dài hậu COVID?
Viêm là một quá trình phòng thủ mà hệ thống miễn dịch của chúng ta sử dụng để chống lại COVID-19. Các mô bị viêm sưng lên và tiết dịch. Điều này có thể kéo dài một thời gian dài, ngay cả khi virus đã biến mất.
Ho có thể kéo dài vì bốn lý do chính dưới đây, tất cả đều liên quan đến viêm:
- Nếu đường hô hấp trên (mũi và xoang) vẫn bị viêm, chất lỏng được tạo ra sẽ chảy xuống phía sau cổ họng, gây ra hiện tượng "chảy nước mũi sau". Điều này khiến bạn cảm thấy cần phải "hắng giọng", nuốt và / hoặc ho.
- Nếu phổi và đường hô hấp dưới bị ảnh hưởng, ho là cách cơ thể cố gắng làm sạch chất lỏng và sưng tấy ở đó. Đôi khi không có nhiều chất lỏng (vì vậy dẫn tới "ho khan"), nhưng mô phổi bị sưng vẫn gây ra ho.
- Các đường dẫn thần kinh có thể là nơi viêm nhiễm ẩn náu. Điều này có nghĩa là hệ thống thần kinh sẽ bị ảnh hưởng và ho xảy ra không phải do các mô hô hấp.
- Một nguyên nhân ít phổ biến hơn nhưng nghiêm trọng hơn là mô phổi bị sẹo do viêm, một tình trạng được gọi là "bệnh phổi kẽ". Bệnh này cần được chẩn đoán và xử trí bởi các bác sĩ chuyên khoa hô hấp.
Điều thú vị là F0 có thể gặp một loạt các triệu chứng hậu COVID, bao gồm ho, cho dù họ có ốm đến mức nhập viện hay không. Một số bệnh nhân nói với bác sĩ Yates rằng sức khỏe họ khá bình thường trong thời gian bị nhiễm COVID, nhưng cơn ho sau khi âm tính đang khiến họ phát điên.

Ho là một trong những cách cơ thể loại bỏ các chất kích thích không mong muốn như virus, bụi và chất nhầy. (Ảnh minh họa)
Khi nào nên đi khám?
Chúng ta cần thận trọng để không tự nhận định cơn ho mình gặp phải là do hậu COVID-19, bỏ sót các nguyên nhân nghiêm trọng khác gây ho mãn tính.
Bên cạnh COVID, có một điều cần chú ý là nhiễm khuẩn thứ cấp. Các dấu hiệu bạn có thể bị nhiễm khuẩn thứ cấp bao gồm:
- thay đổi kiểu ho (tiếng ho nghe khác, thường xuyên hơn)
- thay đổi đờm (tăng thể tích, có máu)
- phát triển các triệu chứng mới như sốt, đau ngực, tim đập nhanh hoặc nặng hơn là khó thở.
Các bệnh nghiêm trọng tiềm ẩn khác có thể gây ho mãn tính là suy tim và ung thư phổi, vì vậy nếu bạn nghi ngờ về nguyên nhân ho của mình, hãy đi kiểm tra sức khỏe.

Súc miệng nước muối, xịt mũi... có thể giúp giảm ho.
Cách giảm ho hiệu quả
Nếu ho chủ yếu do chảy nước mũi sau thì bạn có thể áp dụng các biện pháp như súc miệng nước muối, xịt mũi...
Ngoài ra, bạn cũng cần uống đủ nước, thử dùng mật ong để làm dịu cổ họng.
Nếu nguyên nhân ho là viêm nhiễm ở phổi, các bài tập thở có kiểm soát cơn ho. Hít hơi nước (trong khi tắm vòi sen nước nóng hoặc qua máy xông hơi) có thể hữu ích.
Kết
Ho sau COVID có thể kéo dài hàng tuần, gây mệt mỏi và do nhiều nguyên nhân. Hầu hết các cách xử trí đều đơn giản, rẻ tiền và có thể thực hiện được mà không cần đến sự can thiệp của y tế.
Tuy nhiên, nếu bạn có bất kỳ nghi ngờ nào về nguyên nhân hoặc sự tiến triển của cơn ho, bạn nên đến gặp bác sĩ để được kiểm tra.
(Nguồn: The Conversation)
Mời độc giả đón xem livestream "Nhận biết ung thư trước khi quá muộn"
Ung thư đang là một gánh nặng của toàn cầu khi cướp đi tính mạng của hàng triệu người và tiêu tốn hàng trăm triệu USD cho việc điều trị. Phát hiện sớm ung thư đóng vai trò quyết định trong việc chữa trị thành công, kéo dài thời gian sống cho người bệnh.
Để giúp người dân có thể hiểu được sự nguy hiểm của ung thư, các triệu chứng sớm thường gặp và cách phân biệt các triệu chứng này với các biểu hiện của các bệnh cảnh thông thường khác, chương trình "Chuyện khó có bác sĩ" tổ chức buổi toạ đàm trực tuyến với chủ đề "Nhận biết ung thư trước khi quá muộn".
Chương trình có sự tham gia của TS.BS. Nguyễn Quang Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu và Y học hạt nhân, Bệnh viện Bạch Mai và được phát sóng vào 14h30, ngày 31/3 trên fanpage Soha.vn.
Kính mời quý độc giả đón xem chương trình!
Mời quý độc giả đặt câu hỏi cho chương trình TẠI ĐÂY.