Xem ảnh phẫu thuật ngực tại cơ sở thẩm mỹ 'chui', BS choáng, thốt lên 'quá khủng khiếp'

Bệnh nhân được phẫu thuật thu nhỏ vú tại một nơi trông như nhà riêng, mặc nguyên quần đi đường lên bàn mổ...

Biến chứng vì thu nhỏ ngực

Theo ThS BS. Nguyễn Mạnh Đôn - Khoa Tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, bệnh viện vừa tiếp nhận một bệnh nhân tên N.T.N. (sinh năm 1967, ngụ tại Q.12, TP.HCM).

Cách đây 20 ngày, chị N. đọc được quảng cáo trên mạng về cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ lấy tên của một bệnh viện lớn tại TP.HCM. Thế nhưng, khi liên hệ thì chị N. được chỉ đến một nơi như nhà riêng ở quận Gò Vấp. Giá của ca phẫu thuật thu nhỏ ngực là 60 triệu đồng nhưng chị được khuyến mãi, chỉ còn 30 triệu đồng.

BS Đôn cho biết lời kể và hình ảnh người bệnh cung cấp khiến bác sĩ Đôn vô cùng bất ngờ. Thu nhỏ ngực là ca khó, có thể gây ra các biến chứng do chảy máu, nhiễm trùng. Mỡ theo dòng máu có thể gây thuyên tắc mạch, nguy cơ tử vong cao. Vì thế ca đại phẫu như vậy bắt buộc phải làm ở bệnh viện chuyên khoa có đủ năng lực xử lý khi tai biến xảy ra, trong môi trường phòng mổ vô trùng và gây mê toàn thân.

Bác sĩ Đôn choáng vì hình chụp cho thấy người bệnh được gây tê, vẫn tỉnh táo. Đang mổ, họ còn dựng người bệnh ngồi dậy để chụp hình rồi nằm xuống mổ tiếp. "Người bệnh vẫn mặc chiếc quần tây đi đường thì quá là khủng khiếp" – BS Đôn nói.

Sau ca phẫu thuật thẩm mỹ, chị N. bị đau nhức vết mổ, sưng viêm, hoại tử. Chị đã đến cơ sở đó khám lại thì được tiêm thuốc trực tiếp vào bầu ngực nhưng không thuyên giảm. Người bệnh đã tới Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM để khám chữa.

Sau khi thăm khám, bác sĩ Đôn xác định chị đã phẫu thuật thu nhỏ ngực do ngực phì đại độ 4. Xung quanh quầng vú người bệnh bị viêm, hoại tử, góc của các vết khâu cũng ứ dịch và hoại tử. Người bệnh đã được phẫu thuật cắt lọc, làm sạch lại hai bên vú, chờ hồi phục mới tiến hành tạo hình tái tạo lại bầu ngực.

Bác sĩ Đôn cho biết mỗi năm ông gặp ít nhất mười ca liên quan tới tai biến phẫu thuật thẩm mỹ do khách hàng làm ở những cơ sở thiếu uy tín. Qua đó, bác sĩ cảnh báo mọi người không nên ham giá rẻ mà chọn những cơ sở không đảm bảo. Phẫu thuật thẩm mỹ liên quan tới vùng ngực, vùng bụng, hút mỡ… phải được làm tại bệnh viện có chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ.

TS BS. Phan Tôn Ngọc Vũ, Trưởng khoa Gây mê – Hồi sức Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết tai biến trong và sau mổ là luôn có, bao gồm cả phẫu thuật và gây mê. Tỷ lệ này thay đổi tùy nhóm bệnh cần phẫu thuật. Biến chứng có thể nhẹ và không để lại di chứng nếu phát hiện và điều trị sớm, tuy nhiên nó vẫn có thể để lại di chứng vĩnh viễn và tử vong, dù cho tỷ lệ này rất thấp. Tỷ lệ tử vong chung của loại phẫu thuật thẩm mỹ là 1/5.000.

Xem ảnh phẫu thuật ngực tại cơ sở thẩm mỹ chui, BS choáng, thốt lên quá khủng khiếp - Ảnh 1.

Một ca phẫu thuật nâng ngực.

Những điều phải biết trước khi phẫu thuật thẩm mỹ

TS Vũ cho biết phẫu thuật thẩm mỹ hiện này phần lớn là phẫu thuật vú và thành bụng, đặt implant, hút mỡ và bơm vùng dưới da. Các phẫu thuật này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, gây nguy hiểm cho sức khoẻ.

Để phẫu thuật chuẩn, cần có một quy trình chặt chẽ, khu phẫu thuật tiêu chuẩn, đội ngũ nhân sự phải hiểu biết đầy đủ lợi ích và nguy cơ khi thực hiện một kỹ thuật hay ca phẫu thuật thẩm mỹ. Người bệnh, khách hàng cần được giải thích đầy đủ và chọn lựa nơi điều trị theo quy chuẩn của Bộ Y tế.

Bác sĩ cần được đào tạo chuyên khoa sâu về phẫu thuật thẩm mỹ. Tuy nhiên, mọi người cũng cần nhớ rằng cũng như bác sĩ chuyên khoa ngoại khác, để tay nghề hoàn chỉnh, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình phải được trải nghiệm và thực hành tại các bệnh viện. Mục tiêu là thấy được cách tổ chức ca mổ, nguyên tắc vô trùng, xử lý các biến chứng chung của ngoại khoa và phối hợp xử lý các biến cố sau mổ…

Những nhân viên cấp cứu có nhiệm vụ kiểm soát các biến chứng sau phẫu thuật thẩm mỹ bao gồm nhiễm trùng, tắc mạch, hoại tử da, chảy máu, phù phổi, hội chứng tắc mạch do mỡ, thủng ruột, tụ dịch dưới da và ngộ độc thuốc tê trong và sau mổ.

Cở sở vật chất cũng phải đảm bảo yêu cầu của Bộ Y tế, bao gồm phòng mổ, phòng chăm sóc trước mổ, phòng hồi tỉnh, phòng điều trị đau. Các thiết bị theo dõi và cấp cứu phải sẵn sàng, ví dụ như máy gây mê giúp thở, monitor theo dõi, máy sốc điện, thuốc mê và thuốc hồi sinh tuần hoàn.

Nhân sự của khoa Gây mê hồi sức là cực kỳ quan trọng. Bác sĩ gây mê hồi sức có kinh nghiệm, phụ gây mê, phụ mổ và có đầy đủ các phương tiện theo dõi trong và sau mổ để phát hiện sớm các tai biến.

https://soha.vn/xem-anh-phau-thuat-nguc-tai-co-so-tham-my-chui-bs-choang-thot-len-qua-khung-khiep-20220325111356442.htm