Viêm cơ tim - phản ứng rất hiếm gặp ở trẻ sau tiêm vắc xin Covid-19: Dấu hiệu là gì?

Trong tháng 4, Việt Nam rất có thể sẽ tiêm vắc xin Covid-19 cho nhóm trẻ từ 5-11 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay, rất nhiều phụ huynh lo lắng về phản ứng sau tiêm có thể xảy ra.

Theo các chuyên gia, trong quá trình triển khai tiêm chủng cho nhóm trẻ từ 5-11 tuổi tại một số nước trên thế giới, tới nay chưa ghi nhận trường hợp gặp biến cố viêm cơ tim sau tiêm phòng vắc xin Covid-19. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý vẫn cần phải theo dõi sát trẻ sau tiêm.

Ths.BS Nguyễn Hiền Minh, Phó trưởng đơn vị tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho hay: "Viêm cơ tim, màng ngoài tim cấp ở trẻ em khi trẻ tiêm tiêm vắc xin mRNA ngừa COVID-19 (Pfizer-BioNTech hoặc Moderna), đặc biệt là ở trẻ vị thành niên nam và nam thanh niên, thường gặp hơn sau khi chích liều thứ hai và thường xuất hiện 2-4 ngày sau tiêm vắc xin Covid-19.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp có thể gặp sớm (12h sau tiêm) hoặc muộn hơn trong vòng một tuần kể từ khi tiêm. Thậm chí có trường hợp trễ hơn lên đến 42 ngày".

Dấu hiệu điển hình của viêm cơ tim là trẻ có những cơn đau ngực cấp, khó thở, hụt hơi, cảm giác có nhịp tim nhanh, không đều hoặc hồi hộp đánh trống ngực, ngất, vã mồ hôi, trạng thái thần kinh kích thích, ăn uống kém hơn bình thường, nôn ói nhiều, có thể có sốt hoặc không.

Viêm cơ tim sau tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ xảy ra ở thời điểm nào? Cách phát hiện sớm - Ảnh 1.

Tiêm vắc xin cho trẻ nhỏ, ảnh minh hoạ.

Bác sĩ khi khám và nghe tim sẽ nghe tiếng cọ màng tim, trẻ có mạch nghịch thường; kết quả điện tâm đồ biến đổi, siêu âm tim có rối loạn chức năng/vận động thành tim hoặc tràn dịch màng tim.

Bác sĩ Hiền minh khuyến cáo: "Do vậy tất cả trẻ sau tiêm vắc xin Cocid-19 có một trong số các dấu hiệu nghi ngờ (đau ngực, khó thở, rối loạn nhịp) cần được thăm khám để loại trừ viêm cơ tim, viêm màng tim cấp. Phụ huynh cần thông báo tới đường dây nóng được ghi trong phiếu hướng dẫn theo dõi sau tiêm, hoặc đến bệnh viện gần nhất để được thăm khám kịp thời".

Phản ứng thường gặp khi tiêm vắc xin Covid-19

Bác sĩ Hiền Minh cũng chia sẻ thêm 2 loại vắc xin được Bộ Y tế quyết định tiêm cho nhóm trẻ 5-11 là Pfizer và Moderna đã ghi nhận những phản ứng sau:

Với vắc xin Pfizer, những phản ứng rất thường gặp sau tiêm vắc xin ở trẻ 5-11 tuổi bao gồm: mệt mỏi (> 50%), đau đầu (> 30%), tấy đỏ và sưng tại vị trí tiêm (> 20%), đau cơ và ớn lạnh (> 10%), sốt (>10%, tần suất cao hơn đối với liều thứ 2).

Với vắc xin Moderna, những phản ứng rất thường gặp sau tiêm vắc xin ở trẻ 6-11 tuổi bao gồm: đau tại vị trí tiêm (98,4%), mệt mỏi (73,1%), đau đầu (62,1%), đau cơ (35,3%), ớn lạnh (34,6%), buồn nôn/nôn mửa (29,3%), sưng/đau ở nách (27.0%), sốt (25,7%), ban đỏ tại vị trí tiêm (24,0%), sưng tại vị trí tiêm (22,3%) và đau khớp (21,3%).

Những phản ứng nghiêm trọng rất hiếm gặp sau tiêm 2 vắc xin Pfizer và Moderna cho trẻ em bao gồm: viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, phản ứng phản vệ.

Vị chuyên gia tiêm chủng cũng lưu ý các phụ huynh cần phải theo sát các triệu chứng của trẻ, khi có những dấu hiệu bất thường cấn phải đưa trẻ tới bệnh viện ngay.

Vừa qua, Bộ Y tế đã có Công văn số 1535/BYT-DP gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Bộ Y tế cho biết dự kiến triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trong tháng 4, ngay sau khi Úc viện trợ khoảng 13,7 triệu liều vắc-xin Pfizer và Moderna.

Hiện Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia (Bộ Y tế) đang phối hợp với Đại sứ quán Úc để đưa vắc xin về Việt Nam. Đợt 1 có khoảng 9,7 triệu liều, bao gồm: 0,7 triệu liều do Pfizer sản xuất và 9 triệu liều do Moderna sản xuất. Số vắc xin này đều có hạn sử dụng đến tháng 7/2022, dự kiến vận chuyển về Việt Nam vào đầu tháng 4. Đợt 2 có khoảng 4 triệu liều do Pfizer sản xuất, được Chính phủ Úc viện trợ thông qua Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF).

Như vậy, rất có thể trong tháng 4 này trẻ từ 5-11 tuổi sẽ được tiêm phòng vắc xin Covid-19. 

https://soha.vn/viem-co-tim-phan-ung-rat-hiem-gap-o-tre-sau-tiem-vac-xin-covid-19-dau-hieu-la-gi-20220401170125551.htm